Xây dựng xã hội học tập và phát triển phẩm chất người học
Lượt xem:
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đánh giá tình hình giáo dục hiện tại, khẳng định những thành công, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đồng thời, nghị quyết cũng đã nêu lên định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với mục tiêu tổng quát: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời:
Ngày nay, khái niệm “học tập suốt đời” ngày càng được nhắc đến thường xuyên hơn và có mặt trong hầu hết các chiến lược, chính sách quốc gia về giáo dục của mỗi đất nước. Trên tinh thần đó, nghị quyết cũng đã chỉ ra nhiệm vụ của các cấp, các ngành là phải làm cho mỗi người dân nhận thức được kết quả của việc học tập và phải học tập suốt đời. Và muốn đạt được kết quả này thì trước hết phải xây dựng được một xã hội học tập. Vậy “học tập suốt đời” là gỉ? Theo Unesco, học tập suốt đời là quá trình học tập diễn ra trong suốt cả cuộc đời và dựa trên bốn trụ cột là: học để biết, học để làm việc, học để cùng nhau chung sống và học để làm người. Việc học này được thông qua các phương thức giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên và đặc biệt là tự học.
Xã hội học tập là gỉ? Xã hội học tập là một xã hội trong đó tất cả các tổ chức trong xã hội đều tham gia vào quá trình giáo dục, không riêng trường học. Ví dụ, một nhà máy, trách nhiệm chủ yếu là sản xuất hàng hóa, nhưng cũng có thể và cần phải tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề nghiệp cho công nhân và cũng có thể giáo dục cho công chúng về quá trình sản xuất, về sử dụng sản phẩm, về bảo vệ môi trường… và những đóng góp của họ cho xã hội. Nhà máy phải tham gia cùng nhà trường xây dựng và cải tiến chương trình giáo dục, là nơi cho học sinh, sinh viên thực hành, thực tập… Một khía cạnh khác của xã hội học tập là toàn thể công dân đều phải học tập và triệt để tận dụng các cơ hội do xã hội học tập cung cấp.
Học tập suốt đời và xã hội học tập là hai khái niệm có liên quan, gắn bó chặt chẽ với nhau. Xã hội học tập là nơi mà mọi cá nhân đều theo đuổi việc học thường xuyên, học suốt đời, mọi tổ chức đều trở thành những tổ chức học tập, mọi thành phần xã hội đều tham gia và đóng góp vào việc thúc đẩy học tập và phát triển giáo dục. Học tập suốt đời và xã hội học tập là một quan điểm tổng thể, toàn diện về sự phát triển, thay đổi, hợp tác và tham gia của mỗi một cộng đồng, mỗi một quốc gia trong thế giới có sự phát triển vũ bão của khoa học – công nghệ và bùng nổ thông tin, hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
* Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học
Trước đây, mục tiêu giáo dục toàn diện thường được hiểu đơn giản là: Học sinh phải học đầy đủ tất cả các môn học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao… Không những thế, việc thực hiện mục tiêu giáo dục cũng nghiêng về truyền thụ kiến thức càng nhiều càng tốt; chú trọng dạy chữ hơn dạy người, chú trọng truyền bá kiến thức hơn đào tạo, bồi dưỡng năng lực của người học; ít yêu cầu người học vận dụng kiến thức vào thực tế… Tình hình này đã dẫn đến hiện tượng “quá tải”, vừa thừa, vừa thiếu đối với người học và đối với mục tiêu giáo dục.
Còn mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là hiện nay là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Toàn diện ở đây được hiểu là chú trọng phát triển cả phẩm chất và năng lực con người, cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề. Giáo dục và đào tạo phải tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực cần thiết như trung thực, nhân văn, tự do sáng tạo, có hoài bão và lí tưởng phục vụ Tổ quốc, cộng đồng; đồng thời phải phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm chủ bản thân, làm chủ đất nước và làm chủ xã hội; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả… như Bác Hồ từng mong muốn: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ, muốn đạt được mục tiêu trên thì phải xây dựng được nền giáo dục thực học, thực nghiệp. Tức là trong nền giáo dục ấy, người dạy và người học hiểu đúng mục đích của việc dạy và học; dạy và học thực chất; kết quả thi, kiểm tra phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục. Đồng thời, người học phải là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục và sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để sống và làm việc. Nói tóm lại, thực học, thực nghiệp đối lập với hư học, hư danh, bệnh thành tích, với việc chạy điểm, chạy bằng cấp, bằng thật học giả mà dư luận xã hội bức xúc, lên án. (NT sưu tầm)